Vấn nạn “fake bill” chuyển tiền từ thiện liệu có thể diễn ra nếu như mọi giao dịch đều được ghi nhận, hiển thị công khai, minh bạch và không thể thay đổi trên blockchain?
Xem thêm: McKinsey: Blockchain là xu hướng công nghệ hàng đầu vào năm 2024
Blockchain giúp ngăn chặn tình trạng fake bill, làm giả giao dịch
Như chúng ta đã biết, một trong những ưu điểm lớn nhất của công nghệ blockchain nói chung đó là việc khiến cho mọi giao dịch trở nên minh bạch hơn. Nghĩa là, khi một giao dịch được thực thi thành công, không ai có quyền hoặc có khả năng có thể sửa đổi/thêm/xóa bất kỳ thông tin gì. Ngoài ra, bất kể ai cũng có thể trực tiếp theo dõi từng giao dịch nếu muốn, điều mà sẽ khó có thể thực hiện được trong thị trường tài chính truyền thống.
Bởi lẽ, thông thường, để thống kê các giao dịch đến/đi của một tài khoản ngân hàng, chúng ta thường cần đến các bản sao kê. Đương nhiên, nó là dữ liệu cá nhân và không phải ai cũng sẵn sàng công bố công khai nó. Lợi dụng điều này, trong một số chương trình/hoạt động từ thiện mà gần đây nhất là chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi), một số người đã fake bill (làm giả giao dịch chuyển tiền) để khai khống số tiền thực chi (thường là cao hơn rất nhiều) cho nhiều mục đích khác nhau.
Mọi chuyện vẫn êm đẹp cho đến khi cơ quan chủ quản công bố công khai bản sao kê tài khoản trong thời gian diễn ra hoạt động nhận quyên góp từ thiện. Khi cộng đồng đối chiếu lại với thông tin của một bộ phận người dân đã công bố trước đó thì những góc khuất mới dần được phơi bày. Cùng một giao dịch, cùng khung thời gian, cùng nội dung chuyển tiền nhưng số tiền lại thấp hơn rất nhiều so với những gì họ truyền thông.
Trước đó tại Việt Nam, cũng có nhiều người là các ca sĩ, nghệ sĩ, KOL, KOC… lấy danh tiếng của mình để kêu gọi mọi người ủng hộ từ thiện. Nhận được sự tin tưởng, một số tiền không nhỏ từ các “mạnh thường quân” đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của những người kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, khi những nghi vấn nổ ra, những người kêu gọi từ thiện buộc phải sao kê tài khoản ngân hàng thì cũng là lúc những nghi vấn ăn chặn tiền từ thiện được phơi bày.
Điều đáng mừng là với công nghệ blockchain, từng cá nhân trong cộng đồng đều có thể tự mình theo dõi, truy vết bất kỳ giao dịch nào diễn ra trong một khoảng thời gian mà họ muốn. Và nếu như blockchain được ứng dụng vào việc kêu gọi từ thiện, có lẽ đã không có quá nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra như hiện nay.
Xem thêm: Những ví dụ ứng dụng thực tiễn công nghệ blockchain tại Việt Nam
Ngoài việc ứng dụng blockchain vào trong lĩnh vực từ thiện để ngăn chặn nạn fake bill, giả giao dịch, theo bạn nó còn có thể được ứng dụng vào những lĩnh vực nào khác nữa? Hãy chia sẻ với BeInCrypto quan điểm của bạn về vấn đề này trong nhóm cộng đồng của chúng tôi trên Telegram nhé.