Việc SEC bật đèn xanh cho phép ETF Ethereum spot giao dịch trở thành "cú hit" lớn nhất trong quý 3/2024. Bên cạnh đó, việc crypto ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng làm công chúng chú ý hết mực vào lĩnh vực.
Tổng hợp những sự kiện crypto nổi bật trong quý 3/2024
Tháng 7
Bitcoin giảm về 53.500 USD ngày 05/07
Sáng ngày 05/07, ví Bitcoin của sàn Mt. Gox bất ngờ chuyển ra bên ngoài 47.299 BTC, trị giá 2,71 tỷ USD, đến một địa chỉ mới.
Trước đó, Mt. Gox xác nhận sẽ bắt đầu hoàn trả 142.000 BTC tài sản cho khách hàng trong tháng 7 này, tròn 10 năm kể từ khi sàn giao dịch bị hack vào năm 2014, gây tổn thất 850.000 BTC.
Giá Bitcoin trong những ngày qua đã liên tục sụt giảm vì những tin tức về giao dịch bán BTC của chính quyền Đức và Mỹ, điều chỉnh từ tận 63.500 USD về 56.500 USD vào hôm 04/07.
Đến 11:15 AM ngày 05/07, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tiếp tục giảm về 53.500 USD - mức giá thấp nhất kể từ tháng 02/2024. Như vậy, BTC đã mất đến 10.000 USD giá trị chỉ trong 2 ngày. Giá trị thanh lý 24 giờ lên đến 680 triệu USD.
Cú giảm sâu đầu tháng cũng làm chỉ số Tham lam và Sợ hãi giảm về ngang bằng mức BTC $17k đầu năm 2023, cho thấy tâm lý thị trường hoảng loạn khi đó.
Mt. Gox trả nợ
Như đã nói ở trên, nguyên nhân dẫn đến cú sụt giảm ngày 05/07 là việc sàn giao dịch Mt. Gox bắt đầu trả nợ, sau 10 năm ròng rã kiện tụng.
Dù việc sàn sẽ chuyển BTC, ETH và Yên Nhật cho chủ nợ đã được thông báo từ nhiều tháng trước, nhưng đến khi cộng đồng chứng kiến những lệnh chuyển tiền lớn hàng trăm triệu USD từ ví Mt. Gox, thị trường crypto vẫn phản ứng rất mạnh mẽ.
Trong suốt tháng 7, nhiều ngày liên tiếp Mt. Gox di chuyển lượng lớn BTC, BCH để phục vụ công tác trả nợ, phần lớn chuyển lên các sàn CEX là đối tác phân phối của sàn như Kraken, Bitstamp. Thị trường cũng dẫn "quen" với các hành động này, giá BTC sau đó dần ít phản ứng hơn.
SEC kết thúc điều tra Paxos, không còn cáo buộc BUSD là chứng khoán
Như Coin68 đã đề cập, việc SEC khởi kiện Paxos với cáo buộc stablecoin BUSD là chứng khoán là một trong 23 sự kiện tiền mã hóa nổi bật của năm 2023.
Nhắc lại để thấy hành động đó như một quả bom đã làm "phát nổ" toàn thị trường crypto, đẩy những rắc rối pháp lý của Binance lên cao trào, cũng như "đặt dấu chấm hết" cho đồng stablecoin từng một thời đủ sức cạnh tranh với USDT, USDC.
Nhưng sau hơn 1 năm, đến ngày 11/07/2024, SEC “rút lui” khỏi cuộc điều tra Paxos - BUSD thoát cáo buộc chứng khoán.
Lý do cơ quan này thỏa hiệp là vì bị ảnh hưởng bởi một phán quyết gần đây của tòa án có lợi cho Binance, cho rằng hoạt động bán BNB trên thị trường thứ cấp không được xem là chứng khoán, tương tự phán quyết hồi giữa năm 2023 liên quan đến vụ kiện giữa SEC và Ripple.
Nhìn chung, dù đã "thoát mác" chứng khoán nhưng BUSD đành phải rơi vào số phận bị quên lãng, nhường bước cho những đối thủ tiềm năng khác.
Bên cạnh đó, SEC cũng phải kết thúc điều tra đơn vị phát triển layer-2 Bitcoin Stacks.
Sàn WazirX Ấn Độ bị hack hơn 230 triệu USD
Chiều ngày 18/07, các chuyên gia bảo mật blockchain phát hiện ra rằng sàn WazirX Ấn Độ bị tấn công với thất thoát lên đến 230 triệu USD. Con số này tương đương với 45% tiền của người dùng sàn.
WazirX nhanh chóng thông báo đình chỉ tính năng rút tiền để hạn chế thất thoát nhiều hơn. Sau đó sàn tiếp tục tạm ngừng giao dịch, hứa bug bounty 23 triệu USD cho người tìm ra thủ phạm.
Các chuyên gia bảo mật thì tin rằng nhóm tin tặc "khét tiếng" Lazarus Group chính là thủ phạm. Nhưng vì thế càng khó để sàn có thể thu hồi lại tài sản.
Đến cuối tháng 7, WazirX đối mặt làn sóng chỉ trích vì "khảo sát nguyện vọng người dùng", gần như yêu cầu người dùng chịu chung thiệt hại từ vụ hack, chứ không có hướng giải quyết để bồi thường tiền cho nạn nhân xấu số.
Theo cập nhật mới nhất thì chính quyền Singapore đã cấp lệnh hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng cho WazirX.
SEC phê duyệt ETF Ethereum spot
Đúng như nhiều tín hiệu trước đó, SEC rốt cuộc cũng đưa ra cái gật đầu sau cùng cho các đề xuất ETF Ethereum spot, biến ETH trở thành đồng tiền mã hóa thứ hai sau Bitcoin được lập ETF spot.
9 quỹ ETF đã có màn "chào sân" ấn tượng trong phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 23/07, với dòng tiền vào ròng là 106 triệu USD.
Dù những ngày sau đó, ETF Ethereum không có hiệu suất ấn tượng như người tiền nhiệm, thường ghi nhận outflow vì áp lực bán từ quỹ của Grayscale, như đã được các chuyên gia dự đoán từ trước. Thì đây vẫn là bằng chứng cho thấy giới chức đang dần cởi mở hơn với crypto, giúp lĩnh vực ngày càng trưởng thành.
Các quỹ ETF cũng giúp mang dòng tiền từ giới tài chính truyền thống tiến vào thị trường crypto.
Chính khách xuất hiện tại Hội nghị Bitcoin 2024
Trước đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã biến crypto trở thành một trong những luận điểm chính để thu hút người ủng hộ, xuất phát từ những hành động đàn áp các công ty trong ngành tiền mã hóa suốt thời gian qua của chính quyền Biden và đảng Dân chủ.
Nhưng đến khi Trump xuất hiện tại Hội nghị Bitcoin 2024 tổ chức tại thành phố Nashville (bang Tennessee, Mỹ) ngày 28/07, cộng đồng mới thật sự được thuyết phục bởi quyết tâm của ông.
Nhờ màn diễn thuyết hùng hồn cùng những hứa hẹn ủng hộ crypto như muốn Mỹ trở thành “trung tâm” và là “siêu cường” Bitcoin của thế giới, sa thải Gary Gensler, chấm dứt “Operation Chokepoint 2.0”,... tỷ lệ đặt cược cho Trump cũng tăng vọt.
Ngoài Trump, hội nghị Bitcoin thường niên cũng trở thành sân khấu lôi kéo cử tri của nhiều chính khách, như:
- Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đề xuất Hoa Kỳ mua 1 triệu BTC cho quỹ dự trữ Bitcoin quốc gia;
- Ứng cử viên Robert F. Kennedy Jr. hứa sẽ biến Bitcoin làm tài sản dự trữ quốc gia;
Ngoài ra còn có:
- Michael Saylor dự đoán giá Bitcoin đạt 13 triệu USD vào năm 2045;
- Cantor Fitzgerald mở chương trình cấp vốn 2 tỷ USD cho nhà đầu tư Bitcoin.
Tháng 8
Bitcoin sụp đổ về 49.000 USD ngày 05/08
Cú sụt giảm ngày 05/07 thật không thể so với ngày 05/08. Sự kiện đánh dấu "Ngày thứ hai đen tối" (Black Monday) của thị trường tài chính toàn cầu, đã cuốn phăng đi biết bao tài sản của nhà đầu tư.
Cú giảm sâu đã đẩy giá Bitcoin "sụp đổ" về 49.000 USD, ETH xuống mức thấp nhất năm, thị trường thanh lý hơn 1 tỷ USD, với một số nguyên nhân như sau:
- Tình hình xung đột Trung Đông;
- Nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái vì số liệu ỷ lệ thất nghiệp tháng 7 cao hơn mức dự đoán;
- Tin đồn quỹ Jump bán tháo tài sản để giảm sự tiếp xúc với ngành tiền mã hóa sau khi bị CFTC điều tra vào tháng 6;
- Yen carry trade làm thị trường chứng khoán châu Á đổ sập, kéo theo thị trường tài chính toàn cầu;
- ETF Bitcoin có ngày outflow lớn nhất 3 tháng khi đó, lên tới 237 triệu USD;
- Chính phủ Mỹ, Mt. Gox chuyển coin, Genesis trả nợ.
Có thể thấy, chỉ 1 trong số những nguyên nhân kể trên thôi cũng đủ đẩy giá crypto sụt giảm, thì khi tổ hợp của các yếu tố trên diễn ra cùng lúc, thị trường càng "đổ máu" trầm trọng hơn.
Ripple chịu phạt 125 triệu USD để kết thúc vụ kiện với SEC
Vụ kiện tốn nhiều giấy mực giữa SEC và Ripple từ tận 2020 đến nay cuối cùng đã khép lại.
Ngày 08/08, phía công ty blockchain chấp nhận đóng phạt 125 triệu USD vì các vi phạm bị phát hiện.
Vụ kiện kéo dài này chỉ đột phá khi vào giữa năm 2023, thẩm phán Torres đã ra phán quyết cho rằng hoạt động bán XRP của Ripple thông qua các sàn giao dịch bên thứ ba thì không thể được xem là chào bán chứng khoán, nhưng việc bán trực tiếp cho các tổ chức thì là chứng khoán. Tuyên bố này đã gỡ bỏ một phần trách nhiệm của Ripple, cũng như khiến SEC không thể quy tội hoàn toàn cho công ty.
Kể từ đó, cả hai chuyển sang tranh cãi về mức phạt áp dụng lên Ripple vì hành động chào bán chứng khoán trái phép. Vào tháng 03/2024, SEC gửi đề xuất phạt Ripple 2 tỷ USD lên tòa, song bị công ty phản ứng dữ dội.
Do vậy, thẩm phán Torres đã chốt số tiền phạt của Ripple ở mức 125 triệu USD dựa trên "1.278 giao dịch với tổ chức đầu tư bị phát hiện vi phạm luật chứng khoán", cũng như ra lệnh cho công ty không được tái phạm hành vi này trong tương lai.
WBTC "đổi chủ" và những lùm xùm xoay quanh
Ngày 09/08, công ty lưu ký tiền mã hóa BitGo cho biết sẽ chuyển quyền điều hành hoạt động lưu ký của Wrapped Bitcoin (WBTC) cho BiT Global. Đây là công ty được đăng ký thành lập tại Hong Kong bởi Justin Sun, hệ sinh thái TRON và BitGo, với BitGo chỉ chiếm quyền sở hữu thiểu số.
Sự "đổi chủ" đột ngột này làm cộng đồng "đứng ngồi không yên", vì Justin Sun là nhân vật có không ít "tai tiếng" trong ngành.
WBTC đang là một trong những tài sản thế chấp hàng đầu trong các giao thức DeFi lớn trên Ethereum, với top địa chỉ nắm giữ đều là những tên tuổi lớn như Aave, Compound, Spark Protocol, Maker, cầu nối Wormhole cùng các cầu nối đến Arbitrum, Polygon, Optimism,…
Vì vậy, các dự án DeFi sử dụng WBTC đều bắt đầu cân nhắc giảm sự tiếp xúc với đồng wrapped Bitcoin này.
- Phát súng đầu tiên đến từ MakerDAO khi chỉ chưa đầy 10 ngày sau đã thông qua đề xuất ngừng chấp nhận WBTC làm tài sản thế chấp cho DAI, giảm trần nợ về 0. Chưa dừng lại ở đó, 1 tháng sau cộng đồng MakerDAO tiếp tục đề xuất loại bỏ hoàn toàn WBTC, nếu được thông qua sẽ làm ảnh hưởng đến 200 triệu USD các khoản vay trong hệ sinh thái.
- Tiếp theo, Aave cũng đề xuất thay đổi thông số để giảm thiểu ảnh hưởng từ WBTC.
- Threshold đề xuất "giải cứu" WBTC bằng cách hợp nhất với tBTC.
- Coinbase công bố giải pháp cạnh tranh với WBTC là cbBTC nhưng bị cộng đồng đặt nghi vấn vì không công bố bằng chứng dự trữ.
Trước quá nhiều chỉ trích, đích thân CEO BitGo Mike Belshe đã phải lên tiếng trên diễn đàn của Sky (MakerDAO), làm rõ rằng thỏa thuận mới về quyền quản lý được chuyển giao sắp tới đã bị hiểu sai và khẳng định BitGlobal – công ty có liên quan đến Justin Sun – chỉ có quyền thay đổi quy trình liên quan đến một trong ba khóa bảo mật nhưng họ vẫn phải sử dụng phần mềm và phần cứng của BitGo.
Đồng thời Mike Belshe cũng cam kết rằng BitGo sẽ thông báo trước ít nhất 60 ngày về bất kỳ thay đổi nào trong việc quản lý hoặc quyền sở hữu liên quan đến WBTC.
Với những giải thích như vậy, cộng đồng Sky hiện đang cân nhắc lại kế hoạch loại bỏ WBTC, dự định vẫn sử dụng token này trong hệ sinh thái của mình.
SEC dập tắt hi vọng ETF Solana
Kể từ khi ETF Ethereum được SEC bật đèn xanh, đã có nhiều đồn đoán xoay quanh việc đồng nào có khả năng mở quỹ ETF thứ ba.
Có vẻ như cộng đồng đã chọn được đáp án cho mình, đó chính là Solana khi nhiều ông lớn Phố Wall đã rục rịch nộp đơn mở ETF SOL lên SEC.
Tuy nhiên vào ngày 20/08, SEC gần như đã dập tắt mọi hi vọng khi buộc các đề xuất ETF Solana rút đơn vì vẫn xem SOL là chứng khoán.
Bên cạnh vấn đề pháp lý chưa được giải quyết ổn thỏa, Solana vẫn chưa có sản phẩm ETF futures, điều kiện cần để đi đến ETF spot giống như những gì đã xảy ra với ETF BTC và ETF ETH trong quá khứ.
Như vậy ít nhất trong thời gian ngắn tới đây, cộng đồng khó có thể chứng kiến thêm một ETF crypto nào khác nữa.
Nhà sáng lập Telegram bị bắt tại Pháp
Ngày 25/08, cộng đồng công nghệ và blockchain toàn cầu chấn động với tin tức Pháp bắt giữ nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram là ông Pavel Durov, 39 tuổi, mang song quốc tịch Nga, Pháp và UAE.
Hàng loạt người có tiếng nói trong cộng đồng tiền mã hóa đã lên tiếng ủng hộ nhà sáng lập Telegram Pavel Durov, chỉ trích cách bắt bớ vô lý của chính quyền Pháp, kêu gọi nhanh chóng trả tự do cho một công dân vô tội.
Trước áp lực từ cộng đồng quốc tế, Pháp công bố 12 cáo buộc chính thức đặt lên CEO Telegram, yêu cầu vị CEO phải ở lại Pháp để chờ xét xử.
Đến ngày 06/09, Durov đưa ra phát ngôn đầu tiên kể từ khi vướng lao lý, tuyên bố sẽ gia tăng hoạt động kiểm duyệt nội dung tội phạm, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ các quốc gia không thân thiện về pháp lý.
Tiếp đến tối ngày 23/09, Durov thông báo đã cập nhật Điều khoản Sử dụng và Chính sách Quyền riêng tư để có thể phòng ngừa tốt hơn vấn nạn tội phạm. Điều khoản đã sửa đổi tuyên bố Telegram sẽ cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền nếu được yêu cầu.
Ethereum bị chỉ trích vì hoạt động kém cỏi
Là đồng coin nền tảng hàng đầu thị trường nhưng Ethereum cũng không thể "miễn nhiễm" trước các tiếng nói chỉ trích.
- Mainnet hoạt động yếu kém, quá "bias" cho L2
Mọi chuyện bắt đầu khi giá ETH trong quý 3 không đạt được hiệu suất như kỳ vọng, đồng thời phí gas chạm đáy 5 năm, dẫn tới tỷ lệ lạm phát ETH tăng trở lại, gây ra những lo ngại về tác động lâu dài đến nguồn cung và giá trị.
Một số nhà phân tích nhận định sự sụt giảm trong phí gas của Ethereum là kết quả của một loạt yếu tố kết hợp.
- Thiếu hụt nhu cầu đối với không gian block của Ethereum, kể cả khi có lượng người dùng ổn định, họ chủ yếu tham gia tương tác các hoạt động bridge, restaking/staking, approve (vốn không tốn nhiều phí gas)...đi kèm điều kiện lock token có thời hạn để hưởng yield và tiềm năng nhận airdrop ở các layer-2 Ethereum.
- Người dùng đang ưa thích sử dụng các blockchain khác vì muốn "bắt trend", ví dụ như xu hướng memecoin bên Solana đang được thu hút bởi những nền tảng pump.fun hay makenow.meme.
- Chi phí và hiệu suất ở những blockchain mới hoặc layer-2 rẻ hơn kể từ sau khi hoàn tất bản nâng cấp Dencun hồi tháng 4, phù hợp với tầm nhìn mở rộng quy mô sang các layer-2 của nhà sáng lập Vitalik Buterin.
- Ethereum Foundation bị tố không minh bạch
Tiếp đến là là lùm xùm quanh những giao dịch bán ETH của Ethereum Foundation bị tố là không minh bạch, như "đổ thêm dầu vào lửa" trong giai đoạn giá đang không có lực đỡ.
Cuối cùng Ethereum Foundation phải công khai phân bổ ngân sách để xoa dịu dư luận.
- Vitalik Buterin bị chỉ trích
Trong khi dự án con cưng của mình bị chỉ trích, Vitalik Buterin lại không mấy mặn mà trong việc "shill" ủng hộ mà lại bày tỏ quan điểm "không thích DeFi".
Dù có đưa ra luận điểm và giải thích rõ ràng, nhưng nhận định này đã hoàn toàn làm "phật lòng" cộng đồng phát triển DeFi, khi vốn dĩ DeFi là mảng đã đưa Ethereum lên "ngôi vương" như hiện tại.
Nhẹ thì viết bài phản bác, nặng thì chỉ trích Vitalik đã quá "outdated", không còn bắt kịp những xu hướng công nghệ mới nhất nữa. Thậm chí như Charles Hoskinson của Cardano còn cho rằng Ethereum đang quá phụ thuộc vào tầm nhìn của Vitalik Buterin.
Tháng 9
Bitcoin giảm về 52.500 USD ngày 07/09
Bitcoin trong tuần đã liên tục chứng kiến làn sóng bán ra từ các quỹ ETF Bitcoin Mỹ, với outflow trên 200 triệu USD thường xuyên được ghi nhận. Chưa dừng lại ở đó, có ý kiến nhận định vùng giá 50.000 USD sẽ khó được duy trì trong bối cảnh thị trường vẫn đang lo ngại trước lần điều chỉnh lãi suất sắp tới từ Fed vào giữa tháng.
Có người còn chỉ ra giá Bitcoin dường như đã hình thành một kiểu hình mới, đó là giảm mạnh vào đầu tháng rồi dành phần thời gian còn lại để phục hồi giống như những gì đã xảy ra trong tháng 7 và 8.
Nhưng ETH thậm chí còn giảm sâu hơn, về tận 2.150 USD, tiến rất sát xuống mức đáy tháng tháng 8 ở 2.111 USD.
Với mức giá này, Ethereum xem như đã xóa sạch tăng trưởng của năm 2024.Tín hiệu "đáng mừng" duy nhất là giá trị thanh lý chỉ ở 290 triệu USD, khiêm tốn hơn so với hai lần giảm vào tháng 7 và tháng 8.
Đội ngũ friend.tech từ bỏ quyền kiểm soát dự án
Vào ngày 08/09/2024, đội ngũ phát triển của friend.tech đã gây chấn động khi quyết định chuyển quyền kiểm soát hợp đồng thông minh của nền tảng sang địa chỉ null của Ethereum.
Khi một hợp đồng thông minh được chuyển quyền sở hữu sang địa chỉ null, đồng nghĩa với việc nhà phát triển sẽ từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát hợp đồng của dự án và không thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong tương lai.
Đội ngũ tuyên bố sự thay đổi này không ảnh hưởng đến hoạt động của dự án và friend.tech sẽ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng điều này đồng nghĩa với việc friend.tech gần như đã bị "bỏ rơi" khi không một ai có thể thực hiện các thay đổi hoặc cải tiến mới.
Giá token FRIEND cũng giảm mạnh vì thông báo này. Đây được xem như dấu chấm hết cho dự án SocialFi nổi bật một thời.
Fed giảm lãi suất lần đầu sau hơn 4 năm
Rạng sáng ngày 19/09 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, như từng xác nhận trước đó.
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 03/2020, mở đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lo ngại về sức khỏe của thị trường lao động gia tăng.
Đồng thời, Fed phát tín hiệu giảm lãi suất thêm 0,5% vào cuối năm nay. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm thêm 4 lần trong năm 2025 và 2 lần nữa trong năm 2026.
Fed đã có tổng cộng 11 lần nâng lãi suất từ tháng 03/2022 đến 07/2023, từ mức thấp 0-0,25%/năm lên 5,25-5,5%/năm để ghìm lạm phát.
Lịch sử điều chỉnh lãi suất của Fed trong 10 năm gần nhất. Ảnh: Trading Economics (19/09/2024)
Nhờ đó BTC cũng tăng vọt lên 64.000 USD sau bao ngày vật lộn với đà giảm sâu.
Nhà Trump ra mắt dự án World Liberty Financial
Sáng ngày 17/09, gia đình Trump đã tổ chức một buổi họp báo trên mạng xã hội X để chính thức công bố dự án crypto của họ, mang tên World Liberty Financial (WLFI).
Dự án này đã được tiết lộ hồi tháng 7, sau đó được Trump và các thành viên trong gia đình "lộ hint", "shill" để tạo sự tò mò từ cộng đồng. Nhưng lại bị cộng đồng đặt nhiều nghi vấn.
Theo một số nguồn tin rò rỉ, World Liberty Financial sẽ là một “ngân hàng crypto”, cho phép nhà đầu tư gửi và vay tiền dưới dạng crypto, trả lãi cho nền tảng. Được biết 70% vốn sở hữu dự án là nằm trong tay gia đình Trump và các nhà đầu tư khác.
Một số người dùng X đã tìm thấy bằng chứng cho thấy World Liberty Financial sẽ có token riêng mang tên WLFI, dự định bán ra đến 30% tổng cung để thu về 540 triệu USD, với định giá token lên đến 1,8 tỷ USD.
Binance bị chỉ trích vì niêm yết 3 memecoin cùng lúc
Trưa ngày 16/09, Binance thông báo niêm yết thêm 3 dự án mới First Neiro on Ethereum (NEIRO), Turbo (TURBO), và Baby Doge Coin (1MBABYDOGE, phiên bản rút gọn 6 chữ số hàng đơn vị của token gốc BabyDoge).
Cộng đồng lần đầu tiên chứng kiến việc sàn giao dịch luôn được xem là tên tuổi hàng đầu Binance, vốn luôn được coi là "tấm gương" về tiêu chuẩn xét duyệt dự án, nay lại đồng thời niêm yết cùng lúc 3 memecoin.
Đáng chú ý, NEIRO lại là đồng memecoin gây tranh cãi bậc nhất, trên thị trường lại đang có nhiều đồng NEIRO khởi chạy trên Ethereum, Solana và TRON đều dùng chung tên mã.
Sự nhập nhằng này làm cộng đồng nhầm lẫn rằng Neiro Ethereum, đồng coin đã được Binance niêm yết futures NEIROETH/USDT sẽ được niêm yết spot. Nhưng không, đồng spot lại là một đồng NEIRO khác hoàn toàn.
Giá Neiro Ethereum thì tăng nhẹ ở thời điểm Binance ra thông báo niêm yết, khi cộng đồng chưa kịp nhận ra sự khác biệt, để rồi lao dốc khi mọi chuyện vỡ lẽ.
Khi những cuộc tranh luận về memecoin chưa hạ nhiệt, Binance lại tiếp tục công bố sản phẩm mới là tính năng giao dịch Spot Pre-Market.
Solana giới thiệu điện thoại Solana Seeker, máy chơi game Play Solana Gen1
Bên cạnh việc giá tăng vọt, Solana đang chuyển mình sang sản xuất nhiều thiết bị phục vụ hệ sinh thái đa dạng của mình.
Sau sự thành công của dòng điện thoại Solana Saga một thời "làm mưa làm gió" vì airdrop khủng, các nhà phát triển tiếp tục cho ra mắt dòng điện thoại thứ 2, với tên chính thức mới được công bố là Solana Seeker. Dù 2025 mới ra mắt nhưng Seeker đã có hơn 140.000 đơn đặt trước.
Không chỉ điện thoại, Solana còn trình làng hệ máy chơi game Play Solana Gen1, lấy cảm hứng từ thiết kế huyền thoại của Gameboy cùng với các nút bấm cơ học quen thuộc.
DeGods “từ bỏ” NFT, chuyển sang token mới DEGOD
Trong một động thái hết sức bất ngờ, dự án NFT DeGods đã thông báo quyết định chuyển đổi các bộ sưu tập có trong hệ sinh thái sang thành một token duy nhất có tên DEGOD, về bản chất có thể hiểu là từ bỏ mảng NFT để chuyển sang bắt trend memecoin trên Solana.
DeGods cho rằng dự án của mình đang bị phân mảnh thành quá nhiều bộ sưu tập khác nhau, làm thanh khoản cũng như cộng đồng holder bị chia tách. Vì vậy, để thống nhất tất cả, dự án quyết định sẽ cho phép người dùng quy đổi các NFT DeGods, y00ts và Dust thành token chính thức của mình mang tên DEGOD, với tỷ lệ chuyển đổi cụ thể cho từng bộ NFT.
Phần đông ý kiến của cộng đồng cho rằng đây là nước đi hết sức mạo hiểm của DeGods nhưng cũng có thể hiểu được, trong bối cảnh mảng NFT suy sụp liên tục trong giai đoạn 2023 - 2024 mà vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Việc thống nhất thương hiệu sang một memecoin, dù rủi ro hơn, nhưng lại có thể giúp dự án tận dụng sức mạnh cộng đồng sẵn có để duy trì.
Tuy vậy, vẫn có một số chỉ trích khi việc cho phép quy đổi NFT thành token lại không suy xét gì đến độ hiếm của NFT, vốn đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành giá trị của chúng trong quá khứ.
Cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison bị phạt 2 năm tù
Caroline Ellison, một trong những bề tôi thân tín của Sam Bankman-Fried, đã bị tuyên án 2 năm tù vì vai trò trong sự sụp đổ của sàn FTX, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho khách hàng.
Caroline Ellison là một trong những quản lý thân tín của SBF và từng có mối quan hệ tình cảm với người này. Tuy nhiên, vào tháng 12/2022, tức chỉ 1 tháng sau khi FTX phá sản, cô đã đồng ý nhận tội trước Bộ Tư pháp Mỹ và đồng ý ra làm chứng chống lại Sam Bankman-Fried với hy vọng được xin khoan hồng.
Các tội danh đặt lên Caroline Ellison gồm gian lận ngân hàng, âm mưu gian lận ngân hàng, âm mưu gian lận chứng khoán và âm mưu rửa tiền.
Airdrop Hamster Kombat bị chỉ trích
Ngày 26/09, token HMSTR của dự án Binance Launchpool thứ 58 là Hamster Kombat đã chính thức được niêm yết trên hầu hết các sàn giao dịch lớn nhỏ.
Trước niêm yết 1 ngày, Hamster Kombat đã tiến hành airdrop cho 131 triệu người dùng đủ điều kiện trong tổng số 300 triệu lượt đăng ký tham gia trò chơi kể từ khi khởi chạy vào mùa hè năm nay.
Trước đó dự án từng "hùng hồn" tuyên bố sẽ dành ra 60% tổng nguồn cung (tương đương 60 tỷ token HMSTR) để airdrop cho người chơi.
Thế nhưng chiến lược phân phối của dự án đã tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội. Bởi lẽ nhiều người chơi cho biết họ đã bỏ ra gần nửa năm trải nghiệm trò chơi, nhưng sau khi niêm yết giá giao dịch chính thức quanh 0,01 USD, tính ra công sức thời gian qua chỉ thu về khoảng 5 - 30 đô la Mỹ, một con số quá ít ỏi so với lời tuyên bố "đây sẽ là đợt airdrop lớn nhất trong lịch sử tiền mã hóa".
Bà Harris hứa hỗ trợ ngành crypto nếu đắc cử
Trái ngược với đối thủ Donald Trump đã "chọn phe" ủng hộ crypto từ lâu, bà Kamala Harris lại chưa từng xác lập quan điểm của mình về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bắt đầu giai đoạn nước rút, vị nữ chính trị gia cuối cùng cũng bày tỏ lập trường của mình.
Cụ thể, bà Harris hứa hẹn sẽ khuyến khích các công nghệ có tiềm năng thay đổi thế giới trong tương lai, trong đó có blockchain nếu đắc cử. Bà cũng đề cao công nghệ AI và tài sản kỹ thuật số.
Chưa dừng lại ở đó, quan điểm khuyến khích AI và tài sản số cũng được ứng viên Tổng thống Mỹ đề cập một lần trong dự thảo kinh tế dài 80 trang mới được công bố.
Tuy nhiên, bà Harris sẽ không đề ra chính sách cụ thể dành cho blockchain và tiền mã hóa trước cuộc bầu cử tháng 11 này.
SEC xử phạt công ty phát hành stablecoin TUSD
Ngày 25/09, SEC cho biết đã xử phạt TrueCoin LLC và TrustToken Inc. - cả hai hiện đã đổi tên thành Archblock - để giải quyết cáo buộc chứng khoán đặt lên sản phẩm là đồng stablecoin TUSD.
Trong đó, TrueCoin là đơn vị phát hành ban đầu đồng TrueUSD (TUSD), còn TrustToken là bên phát triển nền tảng lending TrueFi có tích hợp TUSD. Cả hai đều không chấp nhận lẫn phủ nhận cáo buộc từ SEC, nhưng đồng ý đóng phạt 163.766 USD mỗi công ty, riêng TrueCoin nộp thêm 340.930 USD tiền thu lợi bất chính.
SEC tuyên bố tính đến tháng 09/2024, 99% tài sản bảo chứng cho TUSD được phân bổ vào những quỹ đầu tư có tính mạo hiểm cao.
TUSD từng được Binance chọn làm stablecoin thay thế cho BUSD sau khi đồng tiền này cũng bị SEC cáo buộc là chứng khoán và phải dừng hoạt động hồi tháng 02/2023. Trong thời gian sau đó, vốn hóa của TUSD đã tăng từ dưới 1 tỷ USD lên mức đỉnh điểm là 3,8 tỷ USD vào tháng 10/2023 với 90% tổng cung nằm trên Binance, trước khi bị sàn dần tách biệt để chuyển sang giải pháp thay thế là FDUSD.
Changpeng Zhao ra tù
CZ kể từ đầu tháng 6 đã bắt đầu thi hành bản án tù 4 tháng với tội danh tắc trách trong công tác quản lý tại Binance, dẫn đến việc để xảy ra hành vi rửa tiền trên sàn. Bên cạnh việc phải từ chức CEO, CZ còn phải đóng phạt 50 triệu USD và bị cấm nắm giữ chức vụ quản lý tại Binance trong vòng 3 năm. Đây là một phần của thỏa thuận hòa giải giữa Binance và Bộ Tư pháp Mỹ, theo đó sàn còn phải nộp phạt số tiền kỷ lục 4,3 tỷ USD.
Cựu CEO Binance sau đó đã được đưa đến cơ sở giam giữ tại Long Beach (California), nhưng từ cuối tháng 8 đã được chuyển sang cơ sở tái hòa nhập để chuẩn bị cho ngày phóng thích là 29/09. Nhưng vì rơi vào ngày cuối tuần, nên CZ được trả tự do sớm 2 ngày, vào thứ Sáu ngày 27/09.
Vài tiếng sau khi ra tù, CZ đã "gm" trên mạng xã hội X để xác nhận mình đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Tiếp đến vào 29/09, CZ có bài đăng đầu tiên sau khi ra tù, chia sẻ những dự định sắp tới.
Các dự án "thay tên đổi họ"
Quý 3 này còn chứng kiến "trào lưu" thay đổi nhận diện thương hiệu của một số dự án. Hầu hết lý do đổi tên là để đồng bộ với định hướng sắp tới của dự án, mà hình ảnh thương hiệu cũ đã không thể diễn đạt đầy đủ.
Các dự án gồm:
- Galxe chuyển đổi token GAL sang G.
- Solend đổi tên thành Save, công bố 3 sản phẩm mới là SUSD, saveSOL và dumpydotfun.
- Fantom đổi tên thành Sonic.
- MakerDAO đổi tên thành Sky, nhằm mục đích làm cho DeFi dễ tiếp cận với đại chúng hơn, phù hợp với kế hoạch Endgame đã công bố từ lâu. Dự án cũng có token quản trị và stablecoin mới, lần lượt là SKY và USDS.
Tuy nhiên màn đổi tên này lại làm cộng đồng DeFi bất bình, một số còn cho rằng đây là điểm bắt đầu cho sự kết thúc của vị thế thống trị mảng stablecoin phi tập trung của DAI. Dự án Gnosis Chain thậm chí còn cân nhắc thay đổi token gas để giảm tiếp xúc với USDS.
- Sàn DEX Camelot (GRAIL) trên Arbitrum đổi tên thương hiệu.
- Polygon chuyển đổi token MATIC sang POL.
Các dự án stablecoin mới
Stablecoin trở thành mảng hot-hit mới khi ngày càng khẳng định tính hữu dụng của mình trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới và thanh toán hàng ngày.
Nhận thấy được tiềm năng đó, hàng loạt các công ty, từ dự án crypto đến các tổ chức truyền thống, bắt đầu xây dựng đồng stablecoin của riêng mình.
Các dự án gồm:
- Tron phát triển stablecoin miễn phí gas;
- State Street;
- Hong Kong thử nghiệm stablecoin cùng Standard Chartered và Animoca Brands;
- Tập đoàn JD.com ra mắt stablecoin neo giá với đô la Hong Kong;
- Elixirr ra mắt deUSD cạnh tranh với USDe của Ethena;
- Ripple thử nghiệm stablecoin RLUSD trên Ethereum và XRP Ledger;
- DWF Labs;
- BitGo;
- Ba ngân hàng lớn của Nhật Bản là MUFG, SMBC và Mizuho thử nghiệm nền tảng chuyển stablecoin xuyên biên giới;
- Revolut;
- Robinhood.
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!