Tp.HCM và Đà Nẵng được đề xuất thí điểm sàn giao dịch tiền số

avatar
Coin68
21 giờ trước

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) và tài sản số tại TP HCM và Đà Nẵng.

Tp.HCM và Đà Nẵng được đề xuất thí điểm sàn giao dịch tiền số

Tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số).

Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.

Trước đó như Coin68 đưa tin, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra dự luật để phân loại cụ thể tài sản mã hóa. Trong đó, tài sản số được định nghĩa là "tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử".

Thực tế, tiền số không bị cấm tại Việt Nam nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên chưa thể coi chúng là một loại tài sản. Việc thiếu khung pháp lý như vậy khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch và mất quyền lợi đối với người dùng.

Theo báo cáo của Triple-A, khoảng 21,2% dân số Việt Nam sở hữu crypto, đưa Việt Nam lên vị trí thứ hai toàn cầu về sở hữu crypto. Việc sử dụng DeFi cao, chiếm 28,8% khối lượng giao dịch. Vì vậy, điều cấp thiết là cần có một bộ khung pháp lý đầy đủ giúp gỡ nút thắt rào cản, tạo điều kiện cho môi trường crypto thân thiện hơn.

Ngoài tài sản số, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm khuyến khích, thu hút vốn, công nghệ tại các trung tâm tài chính.

Chẳng hạn, các dự án đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của trung tâm tài chính có thể được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% suốt vòng đời dự án. Với dự án đầu tư khác, gồm thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, dự kiến chịu mức thuế 10% trong 15 năm. Các doanh nghiệp này được miễn thuế 4 năm, giảm một nửa số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập chịu thuế, theo đề xuất của Bộ.

Thu nhập từ dự án đầu tư của các đơn vị thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes được miễn thuế thu nhập thêm 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

Cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có thu nhập phát sinh tại trung tâm tài chính quốc tế được miễn thuế thu nhập cá nhân. Với các đối tượng khác được miễn đến hết năm 2035 và giảm 50% số thuế phải nộp các năm tiếp theo. Các chuyên gia nước ngoài cũng được tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, đi lại và tạm trú.

Tại các trung tâm tài chính sẽ hình thành hệ thống đăng ký thành viên. Dự kiến, đối tượng đăng ký trở thành thành viên là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm... Những doanh nghiệp này sẽ được phép thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các chính sách, ưu đãi trên phù hợp với thực tiễn, quản lý hiệu quả hoạt động của trung tâm tài chính. Chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp, văn bản liên quan.

Theo VnExpress

Nguồn
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung trên chỉ là ý kiến của tác giả, không đại diện cho bất kỳ lập trường nào của Followin, không nhằm mục đích và sẽ không được hiểu hay hiểu là lời khuyên đầu tư từ Followin.
Thích
2
Thêm vào Yêu thích
Bình luận